Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất giỏi, nhân dân xã Xuân Khang (Như Thanh) phát triển mô hình gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm xuyên suốt về bài học lấy dân làm gốc, Người đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, những năm qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày một giàu đẹp, văn minh.
Nhớ lại những ngày đầu khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Yên Định đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, trong đó có yêu cầu cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước, tập trung kiềm chế lạm phát; kinh tế địa phương chủ yếu là thuần nông, ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tuy đã hình thành nhưng chưa thật sự phát triển. Thu nhập của người dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Do đó, để đạt được mục tiêu trở thành huyện NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn ý thức rằng, xây dựng NTM là thay đổi căn bản từ suy nghĩ đến việc làm, thay đổi bộ mặt nông thôn… Khắc ghi lời dạy của Bác về bài học lấy dân làm gốc, huyện Yên Định đã hiện thực hóa vào cuộc sống, đó là lấy dân làm chủ thể trong triển khai, thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là trong xây dựng NTM. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, hết thảy những công việc lớn, nhỏ ở địa phương trước khi được triển khai, thực hiện đều được công khai, minh bạch đưa ra để người dân đóng góp ý kiến.
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở mỗi địa phương, phong trào xây dựng NTM ở huyện Yên Định như bừng lên một khí thế mới, sức sống mới. Cuối năm 2015, Yên Định có 22/27 xã đạt chuẩn NTM và đến tháng 5 – 2016 huyện Yên Định được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sự nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên biết gần dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân để nâng cao hiệu quả công tác, đồng thời giúp dân tháo gỡ khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, tránh được việc ban hành các chính sách, quy định không đúng với thực tế, làm khó cho dân, từ đó đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Vai trò chủ thể của người dân trong việc triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước cũng được huyện Thạch Thành vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt. Để triển khai hiệu quả, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động cặn kẽ giúp người dân hiểu được quyền lợi, lợi ích và trách nhiệm của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, cơ quan công quyền phải thực sự gắn bó với nhân dân, nêu cao phẩm chất trung thực, trách nhiệm, nhân lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Khi có niềm tin và sự chỉ đạo đúng đắn, mỗi người dân trong huyện đã nhận thức sâu sắc hơn, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; sẵn sàng tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp kinh phí làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi…
Đồng chí Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành cho biết: Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân và cả hệ thống chính trị trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, một trong nhiều phong trào tiêu biểu của huyện được triển khai có hiệu quả đó là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với tham gia xây dựng NTM. Bài học thành công mà huyện đã vận dụng là đã biết dựa vào dân, tập hợp sức mạnh tổng hợp của dân, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân để triển khai thực hiện. Để tạo niềm tin cho dân, huyện Thạch Thành đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong mỗi việc làm của cán bộ, đảng viên. Từ cuộc vận động này, đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ, thấm nhuần mục đích, ý nghĩa của các phong trào thi đua từ đó tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để xây dựng. Đến nay, huyện Thạch Thành có 234 làng khai trương làng văn hóa, có 188 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, 115 làng, khu phố văn hóa được công nhận lại. Việc xây dựng Quy ước làng văn hóa, khu phố văn hóa được thực hiện chặt chẽ. Qua đó, ý thức chấp hành luật pháp, thực hiện nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm, giữ gìn thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao; phong trào xây dựng NTM được nhân dân các địa phương trong huyện tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, công trình phụ trợ, đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng, cơ sở hạ tầng trường, trạm, công sở…, góp phần tạo nên diện mạo mới, tô điểm thêm cho bức tranh toàn cảnh quê hương Thạch Thành ngày càng tươi đẹp.
Bài học lấy dân làm gốc, biết dựa vào sức dân, tạo niềm tin với nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước lại một lần nữa được cán bộ, đảng viên bản Pọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) vận dụng thành công. Có thể thấy, bản Pọng hôm nay đã đổi thay vượt bậc cả về diện mạo NTM và khí thế phát triển đang lên trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội… Đạt được kết quả trên là có những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng bộ, chính quyền nơi đây cùng sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân và sự quan tâm, hỗ trợ có hiệu quả của các cấp, các ngành.
Bản Pọng có 75 hộ với 274 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm khoảng 93%, bản được xã Phú Nghiêm chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Xuất phát điểm là một bản đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng điều, nhận thức về xây dựng NTM còn nhiều hạn chế, ngành nghề chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 còn gần 18% và mới đạt 6/14 tiêu chí xây dựng NTM… Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhờ đặt người dân ở vị trí trung tâm, hướng đến lợi ích của dân, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, nên sau một năm thực hiện, bản Pọng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, áp dụng thâm canh sản xuất, cải tạo nhà cửa, xây dựng các công trình vệ sinh, tự nguyện đóng góp 1.500 ngày công, hiến 1.500m2 đất và hàng trăm cây ăn quả để làm đường giao thông, đồng thời phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ như đan lát, dệt thổ cẩm, kinh doanh dịch vụ… Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%, tình hình văn hóa-xã hội được phát huy, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Năm 2014, bản Pọng được công nhận bản đạt tiêu chí NTM.
Kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng NTM ở huyện Yên Định, Thạch Thành hay bản Pọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) là một kinh nghiệm quý trong huy động sức dân, là cả một chặng đường phấn đấu không mệt mỏi; phát huy mọi nguồn lực, thể hiện sự tập trung cao ý chí, nguyện vọng, sức mạnh đoàn kết, nội lực của nhân dân. Đây cũng là bài học sức dân chính là gốc rễ, cội nguồn sức mạnh, là động lực mạnh mẽ để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác đã căn dặn.