Bác Hồ với Tết trồng cây

 (THO) – Tết Mậu Tuất – 2018 này, đã hơn nửa thế kỷ toàn dân ta thực hiện Tết trồng cây theo lời Bác Hồ và đời đời nhớ ơn Bác. Tết trồng cây đã trở thành phong trào sâu rộng, bền vững trong nhân dân, thành tập quán tốt đẹp trong vui tết, đón xuân, thành nếp sống văn hóa nhân văn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, quốc phòng và môi trường.

Ngày 28-11-1959, để thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1930 – 1960), 15 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945 – 1960) và chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng phát động Tết trồng cây. Báo Nhân Dân số 2082, ngày 28 – 11 – 1959 đã đăng trang trọng toàn văn bài viết của Bác trên trang nhất “Tết trồng cây”, ký bút danh Trần Lực.

Trước hết trong lời khởi xướng Bác nêu lợi ích thiết thực và ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, đối với gia đình và mỗi người dân: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Để thuyết phục mọi người, Bác dẫn chứng cụ thể bằng tính toán chính xác. “Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong đó có 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây… mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà”. Từ đó Bác kết luận: “Trong 10 năm, phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây lấy gỗ đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Trong thời gian này phong trào thi đua yêu nước đang dâng cao, Bác khẳng định phong trào Tết trồng cây: Cũng là một cuộc thi đua lâu dài nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.

Đầu năm 1960, Bác viết tiếp bài “Thêm vài ý kiến về “Tết trồng cây”” trên cơ sở từ kết quả hưởng ứng tích cực của nhân dân thực hiện “tổ chức một ngày Tết trồng cây”, Bác kêu gọi toàn dân tiến lên hưởng ứng một tháng trồng cây (từ ngày 6-1 đến ngày 6-2-1960). Bác tính “nếu tính từ 8 tuổi trở lên mỗi người trồng 1 cây thật tốt, thì mỗi năm có độ 12 triệu cây” cùng đồng thời Bác biểu dương “đồng bào xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, mỗi người đã trồng 10 cây; Tỉnh đội Lạng Sơn mỗi người đã trồng 30 cây; ông Xuyên (xã An Thắng, Kiến An) đã trồng 200 cây; tỉnh Nghệ An đã trồng hơn một triệu cây…”.
Ngày 1-1-1965, sau 5 năm toàn dân trồng cây theo lời Bác, năm mới dương lịch, Bác ra lời kêu gọi “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” (Báo Nhân Dân 3925, ngày 1–1–1965). Bác cho biết: “Năm năm miền Bắc nước ta trồng được hơn 375 triệu cây các loại. Ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển”, Bác nêu: “Có những tỉnh tổ chức Tết trồng cây tốt, cũng có tỉnh cũng khá nhưng còn chậm, có những tỉnh trước kia kém nay đã chuyển khá” đồng thời Bác cũng nhắc nhở: “có những tỉnh nay cũng còn kém… và còn độ 2 vạn HTX chưa thật coi trọng Tết trồng cây”; Bác động viên: “Những nơi khá, nên tiến hơn nữa. Những nơi kém, cần phải cố gắng vươn lên”.

Bốn năm sau, ngày 5-2-1969, Bác viết bài thứ 4 về Tết trồng cây (không ngờ đây là bài cuối cùng) đăng trên Báo Nhân Dân số 5411 cùng lấy đầu đề “Tết trồng cây” như bài viết đầu tiên năm 1959. Mở đầu bài viết, Bác khẳng định lại một lần nữa: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm”. Như vậy là, từ phong trào quần chúng nhân rộng và vững chắc, từ nhận thức và kết quả của việc trồng cây ích nước lợi nhà của nhân dân, từ phương pháp vận động, dân vận khéo, Bác khởi xướng đầu tiên một ngày Tết trồng cây, tiến lên một tháng và đi đến trồng cây cả năm: “Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay… Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn”. Bác biểu dương những đơn vị và các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc trồng cây từ ngày phát động đến nay; điển hình như xã Đô Lương (Lạng Sơn) có nhiều đất rừng, trước đây không biết chăm lo trồng cây, bây giờ: “Việc trồng rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270 hécta rừng được chăm sóc, hàng năm đã bán cho nhà nước 1.100 mét khối gỗ và 1.000 mét khối củi. Nhờ trồng cây tốt nên thủy lợi cũng tiến bộ. Hơn 100 hécta ruộng trước kia bỏ hóa, nay đã thành ruộng 5 tấn. Đóng góp lương thực nghĩa vụ ngày càng tăng, năm 1967 thu được 130 tấn thóc, năm 1965 thu được 16.250 đồng, năm 1967 thu được 50.240 đồng. Nhờ vậy, đời sống xã viên ngày càng cải thiện”.

Bác đề ra khẩu hiệu: “Trồng cây nào tốt cây ấy” bởi “nhiều nơi khi trồng cây đã thiếu hướng dẫn, trồng rồi lại thiếu săn sóc, để cây hỏng nhiều” không chỉ đề ra trong các bài viết về Tết trồng cây, Bác còn viết một bài riêng đăng trên Báo Nhân Dân “Trồng cây nào sống tốt cây ấy”, “có những địa phương trồng cây gây rừng chưa tốt, hoặc kém bảo vệ, chăm sóc, cho nên trồng nhiều mà cây sống ít, diện tích đồi trọc còn nhiều”, “Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Phải sửa chữa những khuyết điểm nói trên. Phải có kế hoạch hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống…” Bác yêu cầu: “Bộ Nông lâm, các ty nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây. Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu…”.

Từ những thành tích đạt được và những yếu kém của Tết trồng cây Bác rút ra kinh nghiệm: “Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm…) có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng, thì nơi đó có phong trào Tết trồng cây phát triển tốt. Kinh nghiệm đã chứng tỏ điều đó”, những nơi yếu kém: “nguyên nhân là do ngành lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhưng chủ yếu là do cấp ủy và ủy ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây”.

Để phong trào trồng cây tốt hơn nữa, có tác dụng trong cả nước, Bác đề nghị “chúng ta trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa” và “Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với tầm nhìn chiến lược xa rộng, Bác còn đề ra hai yêu cầu, một là: “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục” (thêm vài ý kiến về Tết trồng cây), trong kế hoạch kinh tế – xã hội phải có kế hoạch trồng cây gây rừng, Bác biểu dương “Hơn 8.000 HTX đã kết hợp Tết trồng cây vào kế hoạch sản xuất” (Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây); hai là: “Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày mai” (Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây), “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây” (Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây).

Bác chọn ngày tết, chọn đầu xuân để phát động, kêu gọi Tết trồng cây, là lúc nhân dân đang hưởng niềm vui ngày tết, hưởng thời tiết tốt của mùa xuân – vui tết, đón xuân, lòng người rộng mở, lại ích nước lợi nhà, nên người dân vô tư, tự giác, hồ hởi hưởng ứng. Mùa xuân, như Bác viết trong bài Xuân Giáp Thân 1944: “Sau mùa đông lạnh lẽo, muôn vật tiêu điều. Và tạo hóa lại cho mùa xuân mang đến cho thế gian những vẻ tươi tốt ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá đua xanh. Loài động vật cũng nhờ xuân mà khôi phục lại sinh khí…

Từ ngày Bác phát động Tết trồng cây, toàn dân đã làm theo lời Bác, đất nước ngày một thêm xanh, từ vùng ven biển, vùng nông thôn đến miền rừng núi một màu xanh trải dài, tươi đẹp. Có đi ra nước ngoài mới thấy đất nước mình đẹp biết bao, xanh tươi dường nào. Xanh rừng, xanh núi, xanh cây/ Xanh trời, xanh đất, xanh cây đồng làng. Cả nước một màu xanh, cả đất nước là rừng cây xanh, rừng xanh ở ven biển, rừng xanh ở đồng bằng, rừng xanh ở thành phố, rừng xanh ở rừng. Một niềm phấn khởi, tự hào: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Vâng lời Bác dạy ta gây thêm rừng.

Vui tết, đón Xuân Mậu Tuất – 2018, toàn dân ta lại hồ hởi tổ chức Tết trồng cây đầu năm như thường lệ, mở đầu cho việc trồng cây cả năm. Nhân Tết trồng cây năm nay, người viết bài này xin được đề nghị mấy điểm để thực hiện đầy đủ lời Bác:

  1. Nhà nước và các địa phương khi xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội phải có chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây gây rừng. Việc này hiện tại có nơi đã làm, có nơi chưa làm, chỉ mới dừng ở phong trào quần chúng, chưa có kế hoạch và cụ thể kế hoạch trồng cây. Vì thế, nhiều vùng chưa chọn được giống cây phù hợp, chất lượng cây trồng chưa cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động xây dựng kế hoạch này.
  2. Với tầm nhìn xa, hơn nửa thế kỷ trước, từ năm 1960, Bác đã đặt vấn đề “Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày mai”. Ngày nay, các địa phương xã, huyện đang phấn đấu để được công nhận nông thôn mới. Thiết nghĩ nên có tiêu chí về chỉ tiêu trồng cây trong tiêu chuẩn nông thôn mới.
  3. Về vai trò của rừng, Bác nói: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và chăm sóc thì rừng rất quý”. Thực trạng hiện nay nhiều cánh rừng đang bị xâm hại, lâm tặc hoành hành, sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí nhiều nơi kiểm lâm còn tiếp tay, đồng lõa cho lâm tặc phá rừng. Phải có biện pháp mạnh ngăn chặn triệt để. Luật Lâm nghiệp năm 2017 Quốc hội đã thông qua, khẳng định nguyên tắc quản lý rừng bền vững, cả diện tích và chất lượng, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ, các cấp, các ngành chức năng cần cụ thể việc thực hiện.