Chọn ngành nghề đại học hay đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay đang có xu hướng phức tạp hơn trước đòi hỏi khắt khe, có tính cạnh tranh cao của thời đại 4.0.
Những ngành “hot” thời đại 4.0
TS. Nguyễn Hải Ninh – Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế Đại học Ngoại Thương cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 là một bước chuyển mình lớn của nền kinh tế thế giới khi máy móc tự động hóa thay thế con người.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này cũng dẫn đến sự định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ và do đó mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới.
Nắm bắt được các thời cơ do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại có thể giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách, thậm chí bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Các ứng dụng thành công các tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân.
Khi kể tới các cơ hội nghề nghiệp theo xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, dễ thấy nhất là nhu cầu một số ngành liên quan đến Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Tự động hoá, Các mô hình kinh doanh hợp tác quốc tế….
Bên cạnh nhu cầu đào tạo của các ngành tăng giảm khác nhau thì nội dung đào tạo cũng khác nhau. Ví dụ ngành marketing đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ marketing truyền thống sang marketing hiện đại và digital marketing. Trong khi đó, việc làm là sản phẩm của trường ĐH, do đó các trường đương nhiên sẽ chịu những tác động to lớn trong việc thay đổi cơ cấu ngành nghề.
Tuy nhiên, việc chọn một ngành nghề quá “hot”, nhưng bản thân không có đủ tố chất để chịu được độ “hot” đó thì chắc chắn kết quả sẽ không thể tốt đẹp. Thêm một yếu tố nữa để các bạn cân nhắc, liệu ngành nghề bạn đang cho là “hot” ở hiện tại, nhưng sau 4 năm học lại trở nên quá tải, thừa nhân lực.
Những kỹ năng cần có thời 4.0
Mặc dù chọn ngành nghề nào thì theo ông Nguyễn Hải Ninh, người lao động cần tự trang bị những kỹ năng cần thiết cho công việc.
“Các thách thức trong cơ hội và xu hướng nghề nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi nhiều đòi hỏi người lao động phải cải thiện những kiến thức và kỹ năng cần thiết đòi hỏi cho công việc, như các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo” – ông Ninh khẳng định.
Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp cần có các kỹ năng về thể chất: kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối. Các kỹ năng về xã hội: giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.
Như vậy, việc áp dụng tổng hòa những kiến thức kỹ năng và tâm thế để đổi mới sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây.
Học nghề đang mở rộng nhiều xu hướng
Ông Nguyễn Ngọc Long – Trưởng phòng hợp tác doanh nghiệp và tư vấn việc làm cho sinh viên – Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa cho biết, xu hướng học nghề được mở rộng hơn. Nhưng chúng ta học nghề, rồi học kiến thức hơn, thì nó bổ trợ cho học nghề rất nhiều. Học nghề có cả xu thế học online, có cả những khóa học offline ngắn hạn, học nghề về CNTT… gọi là học ngắn.
Trước quan điểm chỉ những học sinh có kết quả học tập chưa cao thì mới chọn đi học nghề, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng nhận xét này có phần đúng nhưng chưa đủ. Đúng là với thời gian trước, hiện nay, trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội có nhiều bạn có điểm vào trường là 23 điểm, tức là các bạn đỗ điểm đại học nhưng vẫn chọn học nghề.
“Trong năm vừa rồi, số sinh viên cao đẳng nghề mà chúng tôi không tuyển là 2.000 người bởi vượt chỉ tiêu. Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội xin phép không tuyển sinh nữa nếu vượt chỉ tiêu do lo lắng không đảm bảo được chất lượng đào tạo” – ông Long cho biết.