Sau 3 năm thi hành, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa để bảo đảm sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Trong năm 2016 và năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.
Tại hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra một số nội dung đang được đề xuất sửa đổi.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Điều 187 Bộ luật Lao động quy định “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.
Với xu hướng tăng tuổi thọ, giảm nguồn cung nhân lực do chính sách giảm sinh trong những năm qua và do tuổi thọ bình quân hiện nay cao, dẫn đến thời gian chi trả lương hưu dài, ảnh hưởng đến cân đối quỹ, vì vậy, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được xem xét trong lần sửa đổi luật lần này. Phương án được Bộ LĐTB&XH đề xuất là tăng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên 58, nam giới lên 62.
Tăng giới hạn làm thêm giờ
Hiện nay, Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động. Người lao động chỉ được làm thêm không quá 50% số giờ làm việc trong ngày, không quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Nghị định cũng quy định một số trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ/năm là các đơn vị sản xuất, dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…
Trong lần sửa Bộ luật Lao động lần này sẽ đề nghị xem xét tăng giới hạn làm thêm giờ trong một năm, hoặc quy định giới hạn làm thêm theo “ngày và tuần”, hoặc theo “ngày và tháng”, cho phép áp dụng làm thêm giờ linh hoạt trong một số điều kiện đặc biệt để phù hợp với quy định của các nước trong khu vực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Ưu đãi doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
Bộ luật Lao động năm 2012 đã xây dựng một chương những quy định riêng đối với lao động nữ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, chế độ thai sản… bảo đảm việc làm cho lao động nữ. Nhưng thực tế, có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì chi phí doanh nghiệp tăng cao do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ.
Sửa đổi Bộ luật Lao động đề xuất cần có nhiều chính sách ưu tiên hơn nữa đối với tuyển dụng lao động nữ trong doanh nghiệp, cũng như nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ.
Xem xét lại trình tự thủ tục đình công
Bộ luật Lao động đã có những quy định đầy đủ về quy trình giải quyết tranh chấp lao động, tuy nhiên trong thực tế, đa phần các cuộc đình công là không đúng trình tự, thủ tục.
Lần sửa luật này sẽ xem xét lại về trình tự, thủ tục đình công. Người lao động và người sử dụng lao động sẽ được xem xét để có cơ hội lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp lao động không cần qua các bước.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cũng được sửa cho phù hợp và khả thi theo hướng bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cho hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Giải quyết chế độ cho người bị nợ BHXH
Bộ luật Lao động và Luật BHXH chưa có quy định để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động khi người sử dụng lao động còn nợ BHXH, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ xem xét bổ sung quy định giải quyết vấn đề này.